Các nguyên nhân khiến mắt bị lão hóa và giải pháp khắc phục
Khi mắt thường xuyên phải chịu tác động từ các thiết bị điện thoại, máy tính, tivi hay khói bụi,… sẽ dẫn đến tình trạng mắt bị lão hóa sớm, thậm chí là một số bệnh khác có liên quan đến mắt. Mắt Kính Shady sẽ mách bạn một số giải pháp khắc phục giúp đôi mắt bạn khỏe đẹp hiệu quả.
I. Tìm hiểu: bệnh lão hóa mắt là gì?
Lão hóa mắt là khi tầm nhìn thay đổi dần theo thời gian và tuổi tác. Thực tế, cuộc sống của bạn sẽ rất năng động cho đến khi bạn là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt như: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc tiểu đường và khô mắt. Lúc này, bạn sẽ phải dùng thêm kính để nhìn rõ các vật ở gần hoặc phân biệt một số màu sắc.
Nhiều bệnh về mắt tuy không có dấu hiệu cảnh báo sớm nhưng một vài bài kiểm tra mở rộng có thể phát hiện ra những giai đoạn đầu trước khi gây mất thị lực vĩnh viễn. Bởi vậy, dù không gặp bất kỳ vấn đề gì về mắt, bạn vẫn nên đến các chuyên khoa mắt để thăm khám định kỳ.
II. Các bệnh lão hóa mắt phổ biến nhất hiện nay
1. Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp (cườm nước, thiên đầu thống, glocom) là căn bệnh rất nguy hiểm, thường xảy ra khi áp suất trong mắt tăng cao làm tổn hại dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Bệnh tăng nhãn áp gồm 2 dạng chính là:
– Tăng nhãn áp góc mở: Đây là căn bệnh phát triển âm thầm, ít đau nên nhiều người khó phát hiện cho đến khi mắt kém, có triệu chứng mất dần thị lực ngoại vi giống như đang nhìn qua một đường hầm.
– Tăng nhãn áp góc đóng: Gây triệu chứng chảy nước mắt, đau và đỏ mắt kèm theo đau đầu, buồn nôn,… dạng này sẽ nguy hiểm hơn và thường diễn biến đột ngột gây mất thị lực nhanh chóng.
Những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh tăng nhãn áp bao gồm: người tuổi cao, có yếu tố di truyền từ gia đình, dùng thuốc steroid hoặc cận thị.
Để điều trị căn bệnh này, bạn có thể dùng thuốc chẹn beta giao cảm hoặc thuốc ức chế carbonic anhydrase dạng uống hay nhỏ mắt. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, khi các loại thuốc không kiểm soát được áp lực trong mắt thì bạn cần phẫu thuật để cải thiện thị lực.
2. Đục thủy tinh thể
Đây là một triệu chứng bệnh lão hóa mắt xảy ra do sự kết tụ các phân tử protein, bệnh thường tiến triển dần theo thời gian và gây ra tình trạng nhìn mờ mắt, chói sáng, ruồi bay, nhìn đôi và hình ảnh có màu vàng….
Trường hợp mắc bệnh đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu, thị lực thường chưa bị suy giảm nhiều, người bệnh có thể thay đổi lối sống, sử dụng viên uống bổ mắt hàng ngày và bổ sung các dưỡng chất thiết yếu để chống lão hóa mắt như Alpha lipoic acid, Lutein, Vitamin B2… Nếu bệnh đã ở mức độ nặng, người bệnh phải phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo để khôi phục thị lực.
3. Thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng xảy ra do lão hóa mắt và hiếm khi gây mù, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng lớn đến thị lực trung tâm khiến người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc đọc sách, lái xe và thực hiện các công việc hàng ngày.
Các nhà khoa học tại Viện mắt quốc gia Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng, việc bổ sung đầy đủ các chất chống oxy hóa hay các chất chống thoái hóa mắt như vitamin A, E, Lutein, Zeaxanthin và Kẽm mỗi ngày có thể làm giảm 25% nguy cơ mất thị lực do thoái hóa điểm vàng.
Tuy nhiên, nếu đang ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể sử dụng sản phẩm bổ mắt để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Nhưng đối với giai đoạn nặng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp như: tiêm thuốc, phẫu thuật laser để điều trị thoái hóa võng mạc và điểm vàng.
4. Bệnh võng mạc tiểu đường
Có thể nói, đây là một trong những biến chứng nguy hiểm thường gặp ở người bệnh tiểu đường lớn tuổi. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: nhìn mờ, tầm nhìn hạn chế, thấy chấm đen trôi nổi trước mắt, hình ảnh bị méo mó, đau, đỏ và nhức hốc mắt…
Để điều trị bệnh võng mạc, người bệnh có thể sử dụng thuốc kháng VEGF, thuốc chống viêm steroid dạng tiêm hoặc phẫu thuật chiếu laser hoặc hút bỏ dịch kính (vitrectomy).
5. Khô mắt
Khô mắt có thể gây khó khăn khi thực hiện các công việc như đọc sách, sử dụng máy tính trong thời gian dài bởi cảm giác ngứa cộm và đau rát do khô mắt gây ra.
Tình trạng này thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất vẫn là ở người già khi mắt bị lão hóa. Thông thường, đối với căn bệnh này bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc mỡ có thể sử dụng trong những đợt cấp của bệnh.
III. Các dấu hiệu nhận biết ở bệnh lão hóa mắt
Thông thường, từ 40 tuổi trở đi, mắt bạn sẽ có những dấu hiệu lão hóa với cảm giác khó khăn khi đọc sách như mỏi mắt, khô mắt… và đến 50 – 60 tuổi biểu hiện lão hóa đã trở nên rõ ràng. Trong đó, các dấu hiệu thường gặp của lão hóa mắt thường gặp mà bạn cần biết là:
- Không đọc rõ chữ khi nhìn gần và chỉ đọc được khi nhìn xa.
- Gặp khó khăn khi đọc chữ in nhỏ trong điều kiện ánh sáng yếu.
- Khi đọc sách và làm việc trước màn hình trong thời gian dài thường bị mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt…
Nguyên nhân lão hóa mắt là do thủy tinh thể trở nên xơ cứng làm giảm khả năng đàn hồi của mắt dẫn đến sự điều tiết của mắt bị suy yếu. Ngoài ra, bệnh lão hóa mắt sẽ dẫn đến một số bệnh lý như lão thị, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng… Thậm chí, trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra mù mắt.
IV. Bệnh lão hóa mắt sớm đến từ đâu?
1. Độ tuổi
Thông thường, sau 40 tuổi mắt mới bắt đầu bị viễn thị và sau 50 – 60 tuổi thì các triệu chứng lão hóa mắt xuất hiện rõ nét hơn.
Tuy nhiên, hiện nay có không ít người mới bước sang độ tuổi 40 nhưng “tuổi của mắt” đã lên đến độ tuổi 50 – 60. Có thể nói, cuộc sống hiện đại đang khiến lão hóa mắt và làm giảm đi độ sáng khỏe của những đôi mắt người trẻ tuổi.
2. Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ màn hình điện tử
Trong các nguyên nhân khiến mắt bị lão hóa nhanh thì không thể không kể đến tác động của ánh sáng xanh từ màn hình của các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tivi, đèn huỳnh quang, đèn LED và ánh sáng mặt trời,… Tất cả chúng đều chứa từ 25 – 35% ánh sáng xanh nguy hại mang năng lượng cao nên có khả năng tiến sâu vào mắt gây tổn thương võng mạc, nhất là tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE).
3. Ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp làm mắt bị lão hóa nhanh chóng. Bên cạnh đó, khói bụi, nguồn nước ô nhiễm và các hóa chất tại nơi làm việc… cũng khiến mắt bạn lão hóa nhanh hơn. Bởi vì chúng có thể tích tụ nhiều chất oxy hóa có hại trong cơ thể, phá hỏng các tế bào nội mô của võng mạc, gây tổn thương tế bào thị giác và làm suy giảm thị lực của bạn.
4. Dấu hiệu mắt bị lão hóa trước tuổi
Không phải tất cả các triệu chứng lão hóa mắt như mờ mỏi, ruồi bay hay nhìn đôi… đều xuất hiện cùng lúc. Tuy nhiên, chúng có thể đến lần lượt hoặc dồn dập tùy vào điều kiện sống, gen và nhiều yếu tố cơ địa khác. Điều quan trọng là bạn nên chủ động chăm sóc mắt khi còn trẻ, đồng thời không ngừng cảnh giác với các triệu chứng ở mắt.
5. Mờ mỏi mắt
Thủy tinh thể có xu hướng chai cứng, độ điều tiết và độ đàn hồi giảm nên khi nhìn xa hay nhìn gần, người bị lão hóa mắt đều sẽ cảm thấy mờ mỏi và khó chịu.
Song song đó, các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc và chứa tế bào chuyên làm nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng cũng bị ảnh hưởng bởi thoái hóa và “cộng hưởng” vào quá trình suy giảm thị lực ở mắt.
6. “Ruồi bay” trước mắt
Hiện tượng ruồi bay có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là những người có tiểu sử bị xuất huyết dịch kính tự phát hay do chấn thương, vẩn đục dịch kính hình sao, viêm màng bồ đào và nhiễm ký sinh trùng… Tuy nhiên, quá trình lão hóa mắt cũng có thể khiến dịch kính bị hóa lỏng, các đốm hoặc dải đục nhìn thấy đen (hiện tượng ruồi bay) giống như các trường hợp bệnh mắt kể trên.
7. Hình ảnh bị méo mó
Hoàng điểm là bộ phận chứa nhiều tế bào thần kinh thị giác, giúp chúng ta nhìn rõ hình ảnh và màu sắc.
Mắt bị lão hóa, có thể khiến hoàng điểm tạo ra hình ảnh như méo mó và màu sắc nhòe đi. Bên cạnh đó, khi các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc bị thoái hóa cũng khiến bạn nhìn không rõ vào ban đêm hoặc bị bệnh quáng gà.
8. Khô mắt
Giác mạc của người bị lão hóa mắt sẽ thấy mắt kém long lanh hơn những người trẻ tuổi. Nguyên nhân là do nhiều mạch máu, mộng thịt hay mộng mỡ phát triển và tích tụ bên ngoài mắt.
Đồng thời, nước mắt cũng tiết ra ít hơn, gây ra tình trạng khô mắt và mờ đục khi nhìn mọi thứ xung quanh. Vì vậy, nếu bạn tập trung nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại thường xuyên và quên nháy mắt 15 – 20 lần/phút thì bạn mắt sẽ càng bị khô hơn.
9. Nhìn kém lanh lẹ và sụp mi mắt
Người bị lão hóa mắt có thể bị yếu cơ vận nhãn do thiếu máu nuôi dưỡng gây ra hiện tượng rối loạn cơ vận nhãn. Biểu hiện của bệnh này là khả năng bắt hình ảnh bị suy giảm, mắt “khờ” và không còn nhanh nhẹn như lúc bình thường.
Đối với những người cao tuổi, da nhăn nheo ở khóe mắt, cơ mí giảm, mất khả năng co giãn hay đàn hồi nên nhão, tạo thành các túi mỡ ở cả mí trên và mí dưới gây nên chứng xệ mi.
V. Các cách khắc phục và ngăn chặn quá trình lão hóa mắt
1. Bảo vệ mắt tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
Bằng cách đeo kính mát có quét lớp chống tia cực tím và tránh đi ra ngoài đường vào thời điểm nắng nhất trong ngày khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
2. Chăm sóc mắt đúng cách
Bạn không nên đọc sách quá gần và đọc sách khi ngồi trên các phương tiện giao thông đang chuyển động. Mặc khác, bạn chỉ nên làm việc trước màn hình vi tính hay chơi game, cứ mỗi 50 phút phải nghỉ 5-10 phút.
3. Không hút thuốc lá
Bởi vì hút thuốc lá làm suy yếu hệ tuần hoàn của cơ thể và làm giảm lượng máu đến mắt.
4. Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối cho mắt
Đặc biệt, bạn cần cung cấp cho mắt các dưỡng chất cần thiết như kẽm, vitamin B2, lutein, zeaxanthin để nuôi dưỡng tế bào mắt khỏe mạnh và phòng ngừa lão hóa. Ngoài ra, kẽm và vitamin B2 (riboflavin) còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể, tham gia vào sự trao đổi sắc tố ở võng mạc mắt và giúp mắt thích nghi với ánh sáng. Vì vậy, nếu thiếu vitamin B2 và kẽm có thể gây tình trạng đỏ mắt, mẫn cảm, mỏi mắt và mờ mắt.
Lưu ý: Bạn nên đi khám mắt thường xuyên 2 lần/năm để sớm phát hiện các bệnh về mắt và có cách xử trí kịp thời. Nhất là, khi thấy mắt có các dấu hiệu không bình thường thì cần đi khám ngay, tuyệt đối không tự ý nhỏ thuốc mắt khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
5. Bổ sung các loại vitamin nhằm ngăn ngừa lão hóa mắt
- Vitamin E và vitamin C là những chất chống oxy hóa quan trọng, giúp bảo vệ mắt khỏi bị tấn công bởi các phân tử gốc tự do. Vitamin E thường có nhiều trong dầu thực vật, các hạt ngũ cốc, mầm lúa mì và các quả hạch… Mặc khác, vitamin C lại có nhiều trong các loại quả thuộc họ cam chanh, cà chua, bông cải xanh, cải bắp…
- Ngoài ra, Vitamin A là những chất chống oxy hóa giúp duy trì sự hoạt động của nhiều mô và màng của mắt, đồng thời có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường thị lực ở mắt. Vitamin A thường có nhiều trong gan, bơ và những trái cây và rau củ có màu cam hoặc xanh.
- Vitamin B2 giúp khôi phục chức năng cơ thị giác, bảo vệ giác mạc và ngăn ngừa lão hóa mắt. Đa phần, vitamin B2 thường có trong nhiều trong gan, sữa, trứng, men bia, rau quả…
- Selenium là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào mắt khỏi bị hư hại bởi sự tấn công của các phân tử gốc tự do. Selenium thường có nhiều trong thịt, trứng, cá…
- Kẽm thường tập trung nhiều ở vùng võng mạc giúp tăng cường thị lực ở mắt. Bạn có thể ăn hải sản, thịt, ngũ cốc… để bổ sung kẽm cho mắt
Ngoài các loại vitamin thì một số chất khác được sử dụng để tăng cường thị lực, ngăn ngừa lão hóa như:
- Omega 3 là axit béo không bão hòa, đây là thành phần cấu tạo võng mạc giúp tăng cường thị lực và bảo vệ mắt. Omega 3 thường có trong cá, sữa, đậu nành, hạt lanh…
- Chondroitin là chất được chiết xuất từ sụn vi cá mập giúp tăng độ đàn hồi và trong suốt của thủy tinh thể nên tăng cường thị lực ở mắt.
Trên đây là một số thông tin về bệnh lão hóa mắt mà Mắt Kính Shady đã chia sẻ. Hy vọng, với những biện pháp chăm sóc trên, bạn sẽ có đôi mắt sáng khỏe hơn và ngăn ngừa tình trạng lão thị. Tuy nhiên, nếu mắt bạn có dấu hiệu lão thị thì bạn cần sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị, tránh làm ảnh hưởng thị lực nghiêm trọng không thể phục hồi.