Tác dụng của Vitamin B trong việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp
Vitamin nhóm B là loại vitamin có thể hòa tan trong nước và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Vậy, có bao nhiêu loại Vitamin B? Tác dụng của Vitamin B là gì? Cùng KaKaFast khám phá nhé.
Có mấy loại Vitamin nhóm B?
Vitamin nhóm B có 8 loại tất cả. Trong đó mỗi loại thực hiện một chức năng khác nhau. Chúng cũng có thể kết hợp lại để giúp cho cơ thể phát triển khỏe mạnh.
8 loại vitamin nhóm B bao gồm:
- Thiamin (vitamin B1)
- Riboflavin (vitamin B2)
- Niacin (vitamin B3, vitamin PP)
- Axit pantothenic (vitamin B5)
- Pyridoxine (vitamin B6)
- Biotin (vitamin H, vitamin B7)
- Folate (axit folic, vitamin B9)
- Cyanocobalamin (vitamin B12)
Điểm qua tác dụng của vitamin B
Mỗi loại Vitamin B có chức năng khác nhau. Dưới đây là những tác dụng chính của 8 loại Vitamin B:
Tác dụng của vitamin B1
Vitamin B1 (thiamin) tốt cho trí nhớ và có tác dụng đẩy nhanh quá trình chuyển hóa carbohydrates, rượu, mỡ,… trong thực phẩm thành năng lượng. Đồng thời làm cân bằng hệ thống thần kinh, tốt cho hoạt động của tim và gan. Nếu thiếu vitamin B1, trí nhớ sẽ giảm sút, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, thiếu sức sống, dễ mắc bệnh tê phù.

Vitamin B1 có nhiều trong cac loại thịt (heo, bò, gà), gan, bột yến mạch, hạt hướng dương, gạo nâu, ngũ cốc nguyên hạt, lúa mạch đen, măng tây, súp lơ, trứng,…
Vitamin B1 trong thực phẩm rất dễ bị tổn thất khi chế biến quá kỹ. Khẩu phần vitamin B1 hàng ngày đối với người lớn là 0,4 mg/1.000kcal.
Tác dụng của vitamin B2
Vitamin B2 (riboflavin) có chức năng tạo năng lượng từ nguồn thực phẩm và tạo ra một số enzyme quan trọng. Ngoài ra, nó còn có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào, giữ cho cơ thể trẻ lâu. Cơ thể thiếu vitamin B2 sẽ lão hóa nhanh, mắt kém đi và móng tay móng chân trở nên giòn, dễ gãy.

Vitamin B2 dễ dàng tìm thấy trong sữa, bơ, phô mai, trứng, các loại hạt, ngũ cốc, thịt (heo, bò, gà), gan động vật… và rất dễ bị khử bởi ánh sáng tự nhiên. Do đó, thực phẩm mua về nên dùng ngay, không để nơi có ánh nắng mặt trời chiếu vào.
Lượng Vitamin B2 cơ thể cần hàng ngày ở vào khoảng 1,1mg (đối với nữ) và 1,3mg (đối với nam).
Công dụng của vitamin B3
Niacin (Vitamin B3) là dưỡng chất cần thiết để hình thành các loại enzyme quan trọng và chuyển hóa năng lượng từ nguồn thức ăn; đồng thời giúp quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru hơn. Ngoài ra, Vitamin B3 này còn giúp làm đẹp và làm sáng da hiệu quả. Không đủ vitamin B3 sẽ làm da bị khô, độ đàn hồi kém và sạm dần, có thể gây bệnh pellagra.

Các loại thực phẩm giàu Vitamin B3 gồm: thịt, bánh mì, ngũ cốc tăng cường, khoai, sữa, cá (cá ngừ vằn, cá thu, cá hồi, cá kiếm, cá bơn), quả bơ, hạt hướng dương… Liều dùng khuyến cáo hàng ngày là 6,6 mg/1.000kcal cho mọi lứa tuổi; riêng phụ nữ cho con bú nên bổ sung thêm 2,3 mg/ngày. Lưu ý nếu nạp Vitamin B3 liều cao từ 3-6g/ngày có thể gây tổn thương gan, gây cháy nắng da.
Vai trò của vitamin B5
Xem thêm: 7 tác dụng của lòng trắng trứng gà không phải ai cũng biết
Vitamin B5 (axit pantothenic) có tác dụng chính là giúp thúc đẩy quá trình tăng trưởng và duy trì vẻ đẹp của làn da và mái tóc. Vitamin B5 đặc biệt hiệu quả trong quá trình lên da non để chữa lành vết thương, nhất là các vết thương nhỏ và bỏng nhẹ, giúp tái tạo một số loại hóc môn cần thiết cho cơ thể, ngăn ngừa bệnh rụng tóc. Nếu thiếu vitamin B5, cơ thể sẽ gặp các rắc rối về tim, tính cách sẽ dễ trở nên cáu bẳn.

Loại vitamin này có nhiều trong trứng, thịt, rau xanh, nấm, các loại hải sản và đặc biệt là trong sữa mẹ. Chúng ta ít khi thiếu Vitamin B5 vì nó có trong hầu hết thực phẩm hàng ngày.
Tác dụng của Vitamin B6
Vitamin B6 (pyridoxine) có tác dụng chính là điều chỉnh sự tiết bã nhờn của da. Người thiếu hụt vitamin này làn da thường bị đổ dầu và viêm da tiết bã. Ngoài ra pyridoxine còn giúp tăng cường sinh lực, tham gia vào việc cấu tạo các hợp chất cần thiết cho cơ thể, giúp ăn ngon miệng và dễ tiêu hóa. Thiếu vitamin B6 sẽ làm cơ thể thiếu năng lượng; hoặc có thể gây ra những rối loạn trong quá trình phát triển ở tuổi dậy thì.

Vitamin B6 có nhiều trong thịt bò, thịt gà, gan, bột mì, sữa và các loại hạt.
Công dụng của vitamin B7
Vitamin B7 (biotin) là thành phần quan trọng giúp duy trì làn da và mái tóc khỏe mạnh. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, giảm cân, duy trì lượng đường trong máu, làm giảm các vấn đề về tim mạch, bệnh Parkinson và giảm viêm nhiễm candida âm đạo.

Biotin có nhiều trong lòng đỏ trứng, cá, sữa, gan, thận và trong các loại gạo, yến mạch, đậu nành, các loại hạt, khoai tây, chuối, bông cải xanh, rau bina,…
Tác dụng của vitamin B9
Folate (axit folic, vitamin B9) giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của hồng cầu và tế bào và thúc đẩy sự phát triển của cơ thể. Phụ nữ mang thai thiếu hụt vitamin B9 còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.

Vitamin B9 có nhiều trong gan động vật, rau chân vịt, trứng, nấm, sò, men bia.
Vai trò của vitamin B12
Cyanocobalamin (vitamin B12) cần thiết cho sự hình thành của tế bào hồng cầu trong hệ thống thần kinh và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nói cách khác, Vitamin B12 giúp cơ thể hoàn thiện một cách hoàn chỉnh, đảm bảo hoạt động của tế bào, các sợi mô và các cơ. Biểu hiện chính của sự thiếu hụt Vitamin B12 là viêm lưỡi, viêm da, mắt kém, rụng tóc và tóc bạc sớm.

Vitamin B12 có nhiều trong các sản phẩm sữa, hải sản, ngũ cốc, thịt đỏ, bơ sữa ít béo, thực phẩm từ đậu tương… Liều dùng khuyến cáo là 1,50µg/ ngày cho người lớn, riêng phụ nữ đang nuôi con cần thêm 0,5µg/ngày.
Trên đây, KaKaFast đã thông tin đến bạn một cách đầy đủ nhất về tác dụng của Vitamin B trong việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Sau khi biết được điều này thì bạn có thể dễ dàng điều chỉnh chế độ ăn uống để bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B để luôn trẻ, khỏe, đẹp.
Chúc các bạn một ngày tốt lành!
Tham khảo thêm: https://kakafast.com/vai-tro-cua-vitamin-k-voi-tre-so-sinh/